Top 4 các phương pháp giảng dạy Tiếng Anh tích cực phổ biến | IZONE

Top 4 các phương pháp giảng dạy Tiếng Anh tích cực phổ biến

Trong bài viết lần này, Giảng Viên Trần Minh Ánh – Giảng Viên IELTS của trung tâm IZONE sẽ chia sẻ các phương pháp giảng dạy Tiếng Anh tích cực, phổ biến.

I. Định nghĩa phương pháp dạy học 

Phương pháp dạy học có thể được hiểu là cách thức truyền tải & sự tương tác chung giữa giáo viên và học sinh trong một điều kiện dạy và học nhất định, nhằm thực hiện tối ưu các mục tiêu và nhiệm vụ của việc dạy học.

Để đạt được mục tiêu dạy học, giáo viên phải lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp. Tuỳ thuộc vào nội dung bài học/kỹ năng và trình độ học viên, giáo viên có thể tuỳ chỉnh, đôi khi cần kết hợp phương pháp dạy học. Hiệu quả của phương pháp dạy học phụ thuộc một phần quan trọng vào sự lựa chọn, tuỳ chỉnh và kết hợp đó.

Ví dụ: trong một buổi học tiếng Anh, để bao quát được các phần kiến thức về ngữ pháp, học từ vựng và kỹ năng Speaking, giáo viên có thể kết hợp phương pháp truyền thống (dạy ngữ pháp và dịch), kết hợp phương pháp trò chơi để học từ vựng và phương pháp chia nhóm thảo luận để người học có cơ hội giao tiếp tăng kỹ năng speaking.

Để đảm bảo hiệu quả của việc lựa chọn (và kết hợp) phương pháp dạy học, chúng ta cần dựa trên các yêu cầu sau:

  • Căn cứ vào đặc điểm học sinh ở từng lứa tuổi, từng lớp cụ thể (chẳng hạn: các phương pháp dạy học đòi hỏi năng lực làm việc độc lập như dự án thích hợp hơn đối với học sinh lớp cuối phổ thông trung học hoặc sinh viên)
  • Phương pháp dạy học phù hợp với năng lực sư phạm của giáo viên: Hình thức thuyết trình là dễ hơn đối với giáo viên mới. Những phương pháp như thảo luận, tình huống, tổ chức làm thực nghiệm,… có yêu cầu cao hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kĩ năng ứng xử, giải quyết linh hoạt các tình huống dạy học của giáo viên.

Ví dụ: Chẳng hạn giáo viên cho học viên thảo luận một phần Task Response trong kỹ năng IELTS Writing như thế nào là tốt, thì giáo viên sẽ phải tính toán các yếu tố như: 

– Mục tiêu của phần thảo luận Task Response là gì. Giáo viên muốn học viên rút ra được điểm gì sau trao đổi thảo luận. 

– Làm thế nào để đưa ra các câu hỏi để giới hạn phạm vi thảo luận; làm thế nào để thảo luận không đi chệch hướng. 

– Làm thế nào để các phần thảo luận KHÔNG mang tính gò bó – vẫn có đủ sự tự do trong sự trao đổi giữa giảng viên với học viên; nhưng vẫn dẫn đến kết quả đầu ra giảng viên dự tính trước. 

Để làm được những điều này thì kỹ năng và chuyên môn của giáo viên đều cần phải tốt

  • Căn cứ vào thời gian, thời lượng: Những phương pháp dạy học yêu cầu học sinh làm việc độc lập thường cần thời gian nhiều hơn nên phải tính toán thời gian cho phép để lựa chọn phương pháp dạy học.

II. Phương pháp dạy học tích cực 

1. Định nghĩa

Phương pháp dạy học tích cực khác biệt với phương pháp truyền thống ở điểm giáo viên sẽ giúp học sinh tự phát hiện và giải quyết vấn đề. Từ đó tăng được tính chủ động sáng tạo trong khi học 

2. So sánh giữa dạy học tích cực và thụ động

Dạy học có tính thụ động  Dạy học có tính tích cực
GV truyền đạt kiến thức GV tổ chức hướng dẫn – HS lĩnh hội
GV độc thoại, học sinh nghe giảng Đối thoại GV-HS, HS-HS
GV áp đặt kiến thức có sẵn GV hướng dẫn HS tìm ra kiến thức
HS thụ động tiếp thu  HS tự tìm ra kiến thức bằng hành động của chính mình
Học sinh học thuộc lòng Học sinh học cách học, cách giải quyết vấn đề, cách phát triển bản thân
Giáo viên độc quyền đánh giá cho điểm  HS tự đánh giá, tự điều chỉnh làm cơ sở để giáo viên cho điểm cuối cùng

3. Lý do nên áp dụng phương pháp dạy học tích cực

Dạy học phát huy tính tích cực nhận thức của người học liên quan tới quan điểm “dạy học lấy hoạt động của người học làm trung tâm”.

Cụ thể, lợi ích mà phương pháp dạy học tích cực mang lại có thể kể đến:

Các lợi ích chính: 

  • Cải thiện tư duy phản biện: Với phương pháp giảng dạy tích cực, học sinh sẽ không còn hoàn toàn thụ động tiếp thu kiến thức từ giáo viên, mà sẽ có khả năng suy nghĩ độc lập và phản ánh những suy nghĩ trái chiều. Từ đó, học sinh có thể tăng ​​khả năng sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, suy luận ra hệ quả, đồng thời tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó.
  • Khả năng ghi nhớ và tiếp thu kiến thức: Học sinh, sinh viên thường sẽ ghi nhớ kiến thức tốt hơn khi chủ động tìm tòi và thảo luận vấn đề.

Các lợi ích khác:

  • Phát triển kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm: Học sinh được rèn luyện kỹ năng này một cách thường xuyên, từ đó hiểu được sức mạnh của làm việc nhóm và các khó khăn cần khắc phục.
  • Tăng mức độ tương tác: Nhiều hoạt động đồng nghĩa với tăng mức độ tương tác, lớp học sẽ sôi động và đầy hứng khởi.
  • Tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ giáo dục: Không chỉ giáo viên mà học sinh có thể tự nghiên cứu và tận dụng các công cụ giáo dục hiện đại phục vụ cho việc học. 
  • Khơi nguồn tư duy sáng tạo: Sáng tạo là một trong những kỹ năng khó dạy nhất khi sử dụng các phương pháp truyền thống. Phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh hiểu rằng sự sáng tạo nó ắt phát triển bằng sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ.
  • Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế: Việc học sinh chủ động tìm tòi và tiếp thu khi học sẽ tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế, cần thiết cho các công việc trong tương lai. 

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là có phải lúc nào cũng nên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực không? 

Đáp án là tuỳ từng trường hợp và trong 1 giờ học vẫn nên có sự hoà quyện giữa Phương pháp truyền thống & Phương pháp tích cực 

Điều này là do:

  • Bất kể các lợi ích nêu trên, việc tổ chức thảo luận/trao đổi giữa học viên – học viên; và giáo viên – học viên sẽ luôn tốn thời gian, đặc biệt nếu giáo viên muốn tổ chức ra 1  buổi thảo luận mang tính satisfactory với học viên. (để thực sự học viên học được, giáo viên cần ghi nhận và giải quyết từng ý kiến của học viên, và hướng cho học viên biết suy nghĩ của mình có ổn hay không – và quá trình này không thể làm nhanh & qua loa được). 

=> Do đó, với các khái niệm khó (đặc biệt là với các khái niệm mà gv muốn học viên tiếp thu một số khái niệm khó trong IELTS Writing) thì rất nên có sự thảo luận này. Từ đó, học viên có thể hiểu sâu nhớ lâu; 

=> Với các khái niệm dễ dàng, giáo viên có thể giảng lý thuyết & rồi đơn giản cho học viên luyện tập -> luyện tập đủ nhiều sẽ làm quen được 

4. Một số phương pháp giảng dạy tiếng Anh tích cực phổ biến

4.1. Phương pháp dạy tiếng Anh trực tiếp (Direct method)

Phương pháp dạy tiếng Anh Trực tiếp (Direct Method) được phát triển từ những năm 1900 để thay thế phương pháp Ngữ pháp – Dịch truyền thống tỏ ra không hiệu quả trong việc dạy ngoại ngữ giao tiếp.

Đặc điểm chính của phương pháp trực tiếp:

  • Không sử dụng ngôn ngữ trung gian, học viên sẽ được dạy trực tiếp bằng ngôn ngữ đích và ít học ngữ pháp. 
  • Giáo viên và học sinh sẽ thực hành nghe nói liên tục trong các tình huống sinh hoạt thường nhật. 
  • Điều này khiến cho phương pháp trực tiếp trở thành phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm. 

Ưu điểm: 

  • Lợi thế của phương pháp này chính là học viên được nói tiếng Anh rất nhiều, sử dụng ngôn ngữ chủ động, quá trình thẩm thấu từ vựng và ngữ pháp diễn ra tự nhiên (do có quá trình luyện phản xạ theo tình huống, chứ không chỉ luyện theo sách vở đơn thuần)
  • Hơn nữa giải pháp này còn đem đến cho học viên kỹ năng phát âm rất tốt, nói chuyện tự tin và tự nhiên.

Hạn chế: 

  • Phương pháp này không trang bị được nhiều kiểu câu phức tạp và khó áp dụng cho các học sinh lớn tuổi. 
  • Nó cũng đòi hỏi giáo viên có trình độ giảng dạy cao và có tính kiên nhẫn, thời gian học dài để đạt được mức hiểu nghĩa của từ ngữ.

4.2. Phương pháp dạy tiếng Anh Giao tiếp (Communicative Language Teaching) 

Từ trước đến nay chúng ta đều hiểu rằng học ngoại ngữ là một tiến trình của nhận thức, của việc ghi nhớ. Nhưng theo quan niệm của những người phát triển giải pháp học tiếng Anh Giao tiếp, ngôn ngữ còn có thể được học qua quá trình tương tác xã hội.

Phương pháp dạy tiếng Anh giao tiếp được phát triển từ những năm 1970 nhằm thay thế những phương pháp cổ điển được cho là tập trung quá mức vào ngữ pháp và mẫu câu, có ít giá trị sử dụng trong thực tế. Phương pháp Giao tiếp tập trung vào đào tạo kỹ năng nghe nói tiếng Anh, nâng cao kỹ năng truyền đạt thông điệp thay vì chú trọng vào sự hoàn hảo của ngữ pháp.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Phương pháp dạy Giao tiếp và Phương pháp trực tiếp ở trên chính là ở ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình dạy học. Phương pháp trực tiếp sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ đích trong suốt buổi học; còn với Phương pháp dạy giao tiếp, dù việc sử dụng ngôn ngữ đích thường xuyên được khuyến khích, nhưng ngôn ngữ mẹ đẻ của người học vẫn được sử dụng khi cần thiết.

Đặc điểm nổi bật của phương pháp Giao tiếp:

  • Ngoài việc dạy kiến thức ngôn ngữ còn dạy học viên cách sử dụng ngôn ngữ như kỹ năng giao tiếp và năng lực giao tiếp. 
  • Các giáo trình được biên soạn theo phương pháp Giao tiếp được tổ chức theo các bước: (1) Giới thiệu ngữ liệu, (2) Thực hành bài tập, (3) Hoạt động giao tiếp, (4) Đánh giá, và (5) Củng cố.

Ưu điểm: 

  • Phương pháp Giao tiếp có ưu điểm hơn hẳn các phương pháp khác là nó bao trùm mọi phương diện của quá trình dạy học ngoại ngữ: đó là các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, các yếu tố ngoài ngôn ngữ… nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp hoàn chỉnh. 
  • Giúp học viên nhanh nói được & Luyện phản xạ theo tình huống giúp học viên nhớ theo tình huống, từ đó tốc độ bật với các tình huống cố định và quen thuộc sẽ nhanh hơn. 

Hạn chế: 

  • Trong quá trình dạy học, kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp) không được quan tâm một cách thích đáng. 
  • Vì không đi vào các quy tắc và nguồn gốc, nên nhược điểm sẽ là đi nhanh NHƯNG không đi xa được/khó đi xa. Người học gặp tình huống lạ sẽ khó xử lý (vì thường chỉ hiểu theo tình huống cố định mà không hiểu quy tắc đi sau nó) 

4.3. Phương pháp dạy học theo dự án (Project-based learning)

Phương pháp dạy học theo dự án là một phương pháp mới, chủ động, khác hẳn những phương pháp giáo dục truyền thống trong đó đa số dựa vào việc đơn thuần để giáo viên giảng dạy. 

Khi dạy các học viên là sinh viên hoặc độ tuổi cuối cấp trung học phổ thông, giáo viên có thể tổ chức dạy học bằng phương pháp dạy học theo dự án. Giáo viên từ vai trò người giảng dạy (lecturer) thành người điều phối (facilitator) các hoạt động học; người học tự lựa chọn chủ đề, xác định các nhiệm vụ cụ thể, tự tổ chức, tự giải quyết nhiệm vụ. 

Phương pháp dạy học theo dự án có các đặc điểm sau:

  • Định hướng cho người học: Người học được tham gia vào các giai đoạn của quá trình dạy học kể cả giai đoạn xác định chủ đề; vai trò của giáo viên là định hướng cho họ. 
  • Định hướng hành động: Người học thực hiện các nhiệm vụ học tập có tính chất thực hành. 
  • Định hướng kết quả: Kết quả của dự án là sản phẩm mang tính chất vật chất hoặc hành động. 
  • Mang tính chất tích hợp: Học sinh được chia theo nhóm, mỗi nhóm giải quyết nhiệm vụ có liên quan đến thực hiện chủ đề chung của cả lớp. 
  • Mở rộng sự quan tâm, hứng thú và kinh nghiệm của người học.

Ưu điểm:

  • Hứng thú của người học được chú trọng.
  • Hành động tự lực được khuyến khích và phát triển.
  • Sự mở rộng hiểu biết, tầm nhìn ra thế giới bên ngoài được chú trọng.
  • Lao động trí óc và chân tay, tư duy và hành động được kết hợp chặt chẽ với nhau.

Hạn chế: 

  • Đòi hỏi vật chất và phương tiện phù hợp
  • Không phù hợp trong việc truyền thụ tri thức lí thuyết mang tính trừu tượng, hệ thống cũng như rèn luyện hệ thống kĩ năng cơ bản.
  • Phải đòi hỏi nhiều thời gian. Vì vậy phương pháp này không thay thế hoàn toàn mà là hình thức dạy học bổ sung cần thiết cho các phương pháp dạy học truyền thống.

Một số điều lưu ý khi thực hiện phương pháp này:

  • Các hình thức dự án rất phong phú: Có thể diễn ra trong kế hoạch lên lớp hoặc tiến hành ngoài giờ lên lớp. 
  • Nội dung thường gắn với thực tiễn
  • Yếu tố quyết định trong thực hiện dự án là người học. Người học được tự quyết định các đầu việc sau:
    • Xác định chủ đề.
    • Xác định mục đích cần đạt.
    • Xác định cách thức thực hiện và thực hiện các hành động.
  • Kết quả của dự án có thể trình bày được.

Ví dụ dễ thấy nhất của phương pháp project-based learning là giao cho học viên một Final assignment/Final project vào cuối một khoá học/kỳ học:

– Mục tiêu cần đạt của phần này thường sẽ là Tổng kết & xâu chuỗi các mảng kiến thức đã học trong khoá 

– 1 khoá học trung bình có thể kéo dài đến 2-3 chục buổi. Khối lượng kiến thức từ đó cũng sẽ rất lớn, vì vậy giáo viên có thể chia các projects khác nhau (mỗi project là một mảng kiến thức) và giao cho học viên làm việc nhóm đối với từng project. 

– Mỗi nhóm sẽ đảm nhiệm một cái project khác nhau trên cơ sở tự chủ. Tuy nhiên, các khâu cũng sẽ cần có giáo viên hướng dẫn/định hướng. 

Ví dụ với phần “Xác định chủ đề” – giáo viên xác định các mảng kiến thức – sau đó có 2 phương án: (1) cho học viên chọn chủ đề yêu thích; hoặc (2) assign cho từng nhóm (với cách thứ (2) thì giáo viên cần phải hiểu rõ học viên của mình – bạn nào mạnh gì yếu gì – từ đó có sự sắp xếp phù hợp)Cách thức hoàn thành project, phân chia đầu việc,… sẽ do nội bộ nhóm quyết định và thực hiện

– Kết quả có được cuối project có thể được thuyết trình qua slides hoặc poster do chính các học viên thiết kế và trình bày. 

4.4. Phương pháp trò chơi (Game-Based Learning)

Phương pháp dạy học tích cực trò chơi là phương pháp giáo viên thông qua việc tổ chức các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, có tác dụng phát huy tính tích cực nhân thức, gây hứng thú học tập cho học sinh. Qua trò chơi, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đồng thời qua trò chơi phát triển sự tự giác, tự chủ của học sinh. 

Một ví dụ về trò chơi về từ vựng thường được áp dụng trong lớp học là “Guess the word”, cụ thể như sau:

  • Thời lượng: 15-20’
  • Trình độ: Tất cả các trình độ
  • Mục đích: Ôn tập từ vựng đã học ở buổi trước
  • Chuẩn bị: GV chuẩn bị list từ vựng đã học ở buổi trước 
  • Cách thức triển khai:
    • Chia lớp thành các nhóm 3-4 người. 
    • Lần lượt các nhóm cử 1 thành viên lên bảng. Thành viên đó sẽ đứng quay lưng vào bảng và đối diện với các bạn khác trong lớp. 
    • GV chọn 1 từ/cụm từ và viết lên bảng. 
    • Các HV còn lại gợi ý từ/cụm từ đó cho HV đứng trên bảng đoán. Tuy nhiên, HV không được nói bất cứ từ nào xuất hiện trong cụm từ trên bảng. 
    • Tùy vào trình độ của HV, GV có thể yêu cầu HV gợi ý bằng tiếng Anh, tiếng Việt hoặc cử chỉ. 
    • Đội nào đoán được trước sẽ giành được điểm. 
    • Đội chiến thắng là đội giành được nhiều điểm nhất

Qua ví dụ về trò chơi này, ta có thể rút ra được tiến trình tổ chức của phương pháp trò chơi:

  • Chuẩn bị: 
    • Giáo viên lựa chọn trò chơi căn cứ vào mục tiêu và nội dung dạy học (Dựa trên mục đích là “ôn tập từ vựng đã học”, giáo viên chọn trò “Guess the word” và chuẩn bị danh sách từ vựng sẽ được áp dụng trong trò chơi)
    • Xây dựng kế hoạch tổ chức trò chơi. (GV lên kế hoạch về thời lượng, các bước tiến hành)
  • Tiến hành: 
    • Giải thích trò chơi, luật chơi; 
    • Tổ chức phân vai; phân việc sao cho mỗi học sinh đều nhận được vai trò mong muốn, đều ý thức rõ ràng nhiệm vụ và công việc của mình trong trò chơi. (thể hiện qua việc chia nhóm và nhiệm vụ của thành viên lên bảng cùng các bạn cùng nhóm ở dưới lớp)
    • Các luật chơi được thông báo và được quán triệt, tất cả đều phải giữ luật chơi; 
    • Trong quá trình chơi, giáo viên quan sát nhắc nhở, giúp đỡ khi học sinh lúng túng và can thiệp chỉ khi nào có người vi phạm luật chơi.
  • Kết thúc: Giáo viên tổ chức tổng kết những kết quả học tập đạt được qua trò chơi; nhận xét, đánh giá tinh thần, thái độ trong khi chơi. 

Ưu điểm:

  • Tạo điều kiện để phát triển kiến thức mới, ôn tập các kiến thức đã học: Bằng việc vận dụng các kĩ năng, kĩ xảo để chơi trò chơi, học sinh nhanh chóng phát triển những kiến thức nền tảng thành những kiến thức mới, thú vị hơn, hoặc vận dụng những kiến thức đã học
  • Tăng khả năng ghi nhớ: 

Việc sử dụng trò chơi để thay đổi hình thức học tập làm cho không khí lớp học thoải mái và dễ chịu hơn. Từ đó, tạo cho học sinh sự tự giác, tích cực hơn trong việc tiếp nhận kiến thức. 

Thông qua trò chơi, học sinh biết cách nhìn nhận, phân tích, so sánh khái quát các kiến thức một cách thoải mái và thú vị hơn. Điều này giúp học sinh có ấn tượng với kiến thức một cách mạnh mẽ và ghi nhớ thông tin lâu hơn. 

Hạn chế:

  • ​​Học sinh có thể dễ bị sa đà vào trò chơi, ít tập trung vào mục đích học tập
  • Giáo viên có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời gian và nội dung kiến thức cần được truyền tải. 
  • Việc tổ chức quá nhiều trò chơi trong 1 buổi học có thể làm mất tính thú vị của hoạt động và tốn rất nhiều thời gian của lớp.
  • Việc cân bằng giữa kiến thức muốn truyền tải và tính hấp dẫn của trò chơi không phải lúc nào cũng dễ. 

Một số lưu ý:

  • Luật chơi nên đơn giản để học sinh dễ hiểu, dễ thực hiện. Nên đưa ra các hình thức chơi để nhiều học sinh cùng tham gia, từ đó giúp học sinh tăng tương tác và giao tiếp hơn. 
  • Các dụng cụ chơi cần đơn giản, dễ làm hoặc dễ tìm kiếm. 
  • Tổ chức chơi vào một số thời điểm trọng tâm của buổi học, để học sinh vừa hứng thú với giờ học, vừa có thể nắm bắt được kiến thức một cách tập trung. 

III. Tổng kết

Trên đây là một số thông tin về các phương pháp dạy học tích cực mà các giáo viên có thể áp dụng trong quá trình giảng dạy. Nhìn chung, các giáo viên nên kết hợp các phương pháp này cùng phương pháp dạy truyền thống sao cho phù hợp với học viên, đạt hiệu quả giảng dạy tốt nhất có thể.