Luận bàn về việc giảng dạy trực tiếp
1. Dạy học tiếng Anh trực tiếp (offline) là gì?
Dạy học trực tiếp là phương pháp học nguyên bản, truyền thống và lâu đời. Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, truyền đạt diễn giải kiến thức cho học sinh và học sinh là người lắng nghe, tiếp nhận những kiến thức đó bằng những tương tác trực tiếp, mặt đối mặt.
Đặc điểm dạy học trực tiếp
Đây là phương thức sử dụng các dụng cụ và phương phức giảng dạy truyền thống. Giáo viên và học sinh tập trung cùng một địa điểm, với một lịch trình cố định được đề ra và thỏa thuận trước đó để thực hiện quá trình học tập. Mọi trao đổi đều theo hình thức trực tiếp, mặt đối mặt.
Phương pháp tiếp cận của hình thức giảng dạy trực tiếp là đồng bộ hoá, đồng bộ giữa việc giảng dạy truyền thụ của giáo viên và tiếp thu lắng nghe, ghi chép của học sinh. Giáo viên là người chủ động nắm nhịp độ của lớp học và đưa ra các điều chỉnh theo quan sát của bản thân.
Những điểm khác biệt cơ bản giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến:
Đặc điểm | Giảng dạy trực tuyến | Giảng dạy trực tiếp |
Phương thức giảng dạy | Sử dụng các công nghệ và thiết bị điện tử kĩ thuật cao, mang tính kĩ thuật số | Sử dụng các công nghệ và thiết bị truyền thống như bảng, sách … |
Chi phí | Chi phí đầu tư cho các thiết bị điện tử: máy tính, ipad, … | Chi phí khóa học cao, chi phí di chuyển, … |
Địa điểm | Các lớp học online, lớp học ảo | Các lớp học tại địa điểm cố định |
Tính linh hoạt | Lịch trình linh hoạt, học viên có thể xem bất cứ lúc nào | Lịch trình cố định |
Giao tiếp | Thông qua các thiết bị điện tử | Măt đối mặt trực tiếp |
Phương thức tiếp cận | Bất đồng bộ, giáo viên và học viên không cần phải tham gia lớp học cùng lúc | Đồng bộ, giáo viên và học viên phải tham gia lớp học cùng lúc |
Tốc độ lớp học | Học sinh là người quyết định chính | Giáo viên là người quyết định chính |
Thái độ học tập | Học viên thường ít nghiêm túc và tập trung hơn | Học viên thường nghiêm túc và tập trung hơn |
Ưu điểm dạy học trực tiếp
Với giảng viên, trung tâm:
- Dạy học trực tiếp là phương pháp dạy học truyền thống đã được nghiên cứu trong nhiều thế kỉ. Giảng viên được đào tạo và đúc kết kinh nghiệm trong nhiều môi trường như trường lớp sư phạm, sách vở và qua kinh nghiệm giảng dạy thực tế của bản thân cũng như những người đi trước
- Giảng viên chủ động nắm nhịp độ của lớp học thông qua quan sát hành vi, cử chi, nét mặt, thái độ của từng học sinh trong lớp. Từ đó, giảng viên có thể có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo chất lượng của lớp học, không học sinh nào bị bỏ lại từ các yếu tố nhỏ như phát âm hay kiến thức ngữ pháp, từ vựng.
Với học sinh:
- Dạy học trực tiếp giúp học sinh dễ dàng tập trung với bài giảng. Học sinh không bị mất chủ ý với những yếu tố ngoại cảnh và dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên và không khí của lớp học, học viên đạt được sự tập trung một cách tối đa. Hơn nữa, dạy học trực tiếp được diễn ra vào một khung giờ và một địa điểm cố định nên kỉ luật của học sinh được rèn một cách kĩ lưỡng.
- Học viên được tương tác với không những giáo viên mà còn cả các bạn cùng trang lứa. Việc tăng cường kết nối giúp học sinh không có cảm giác lạc lõng và dễ dàng trao đổi các vấn đề chưa hiểu với các bạn học của mình.Ngoài ra tương tác này còn bao gồm cả việc tăng cường cạnh tranh tích cực giữa các học viên, giúp cho kết quả chung của khóa học được đẩy mạnh.
- Giảm chi phí đầu tư ban đầu cho việc học online bao gồm các thiết bị điện tử như máy tính, chi phí mạng Internet….
- Các hoạt động ngoại khóa trong việc giảng dạy trực tiếp là một yếu tố quan trọng. Giáo viên có thể cùng học sinh tham gia các buổi nói chuyện về các topic khác ngoài khóa học bằng tiếng anh, nâng cao phản xạ giao tiếp hàng ngày cũng như là cơ hội để học sinh được chia sẻ những quan điểm cá nhân cho giáo viên giúp giáo viên có thể hiểu học sinh được nhiều hơn..
- Việc học trực tiếp tại lớp giúp học viên không cần phải nhìn máy tính trong nhiều giờ, giúp giảm thiểu các bệnh về mắt và các tác động của các thiết bị điện tử cho sức khỏe.
Nhược điểm dạy học trực tiếp
Với giảng viên, trung tâm:
- Giảng viên sẽ bị thụt lùi trong việc cập nhật công nghệ nếu chỉ đi theo con đường giảng dạy truyền thống, nhất là trong thời đại 4.0 và trong việc giảng daỵ ngoại ngữ. Các trung tâm không thể nâng cao chất lượng so với sự phát triển chung của mặt bằng xã hội và so với sự phát triển của kho tàng kiến thức thời đại
Với học sinh:
- Lịch học và địa điểm học cố định là một trở ngại cho việc học trực tiếp đặc biệt là với các học viên đã đi làm hoặc đã lập gia đình. Học viên không thể chủ động và tự do trong suốt quá trình học tập, không thể chọn thời gian, nơi học sao cho thuận tiện nhất với mình Tại các lớp học trực tiếp học viên không thể coi lại bài giảng. Vì vậy nếu bới vì một lý do nào đấy, học viên không thể tới lớp, họ có thể bị tụt lại phía sau
- Học phí của các lớp học trực tiếp thường là cao hơn. Ngoài ra họ còn phải chi trả chi phí cho việc in ấn tài liệu, sách vở để ghi chép, …
- Các lớp học trực tiếp khiến học sinh bị trở nên phụ thuộc vào giáo viên nhiều. Ngoài việc phải tuân thủ tốc độ bài giảng của giáo viên, họ cũng phải quan tâm đến các bạn trong lớp, ví dụ như việc phải nghe lại giảng dạy nếu như có học viên chưa hiểu bài
- Cũng giống như các giáo viên, học viên nếu chỉ tham gia các lớp học trực tiếp, họ đang đánh mất cơ hội được phát triển cùng xu thế của thời đại công nghệ thông tin.
Rõ ràng ta thấy rất khó để so sánh hiệu quả của việc dạy học trực tiếp và dạy học online, vì mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên, một người giảng viên tốt, và xác định theo nghề lâu dài, cần có khả năng xử lý cả lớp học online và offline một cách hiệu quả. Bây giờ chúng ta hãy cùng tham khảo một số các cách để lớp học trực tiếp có thể diễn ra hiệu quả.
2. Gợi ý các phương pháp dạy học trực tiếp hiệu quả
Tạo hoạt động – nhiệm vụ trong giảng dạy
Nếu như các phương pháp cũ trước đây lấy giáo viên là trung tâm, giáo viên tự chuẩn bị và tạo ra chương trình học dựa trên những gì họ cho là học sinh cần biết. Học viên không được nói ra nhu cầu của mình. Việc thay đổi hướng tiếp cận sang phương pháp tạo hoạt động – nhiệm vụ đã thay đổi sự tập trung vào nội dung giảng dạy sang sự tập trung vào kĩ năng và năng lực. Học viên trở thành trung tâm của khóa học. Các kĩ năng và năng lực cá nhân của học viên được tách riêng và đề cao. Tài liệu học tập mà học sinh thực sự cần được phát triển và tập trung để giúp học sinh đạt được mục tiêu cá nhân. Tất nhiên việc chuyển đổi sang “học viên là trung tâm của khoá học” có thể diễn ra ở cả các lớp online lẫn offline. Nhưng thực hiện việc này ở lớp online sẽ khó hơn với lớp offline, vì lý do như sau:
- Phương pháp Hoạt động – nhiệm vụ đòi hỏi sự tương tác giữa viên & học viên và sự tham gia nhiệt tình của học viên trong quá trình học. Trong khi đó, so sánh với lớp học online thì mức độ này khó có thể cao như lớp học offline (học viên tắt Camera, tranh thủ làm việc riêng, ăn uống …)
- Trong khi đó, ở lớp Offline – khi học viên ở trong 1 môi trường có kiểm soát thì điều này lại hoàn toàn khác. Học viên có thể hoàn toàn tập trung vào việc học trong môi trường ở lớp. Điều này sẽ giúp viên có sự thuận lợi hơn trong việc sắp xếp các hoạt động hướng trọng tâm vào học viên hơn (tổ chức game hay cuộc thi nhỏ trong lớp v..v..)
Dám giao tiếp, dám sai
Đây là một phương pháp tiếng anh hiện đại đang được áp dụng rộng rãi. Phương pháp này không tập trung vào việc học viên phải nói thật thuần thục và chuẩn xác ngữ pháp 100%. Thay vào đó, nó nhấn mạnh vào việc giao tiếp để truyền đạt thông điệp và khuyến khích người học vượt qua nỗi sợ sai để sử dụng và nói được ngôn ngữ mình đang học. Nói cách khác, nó chú trọng vào việc phát triển khả năng truyền đạt tiếng Anh của một người không phải là bản xứ. Cách học này rất tốt cho người học tiếng Anh, đặc biệt là người ở trình độ sơ cấp và trung cấp, giúp họ yêu thích và kết nối được với tiếng Anh. Nếu giữ được sự yêu thích và nhiệt huyết đó, đến một trình độ học viên có thể tự sửa được lỗi sai của bản thân, họ sẽ hoàn thiện được khả năng của mình và tiến xa. Ở môi trường offline, học viên với sự tương tác cao dễ cởi mở hơn với việc nêu ý kiến & chia sẻ suy nghĩ bản thân trong khi đó lớp online nhìn chung cho thấy sự thụ động cao hơn.
Tạo môi trường sử dụng tiếng Anh
Giảng viên cần cố gắng sử dụng tiếng Anh với học viên nhiều nhất có thể. Điều này rèn cho học sinh cách sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống thực tế và giúp họ có được phản xạ. Nếu cách học truyền thống trước kia chỉ tập trung vào học ngữ pháp và làm bài kiểm tra thì giờ đây việc áp dụng được vào cuộc sống thiết yếu hơn nhiều. Hơn nữa, giáo viên cần phải giới thiệu văn hóa của các nước bản xứ cho học viên, vì học một ngoại ngữ không chỉ đơn thuần dừng ở việc học ngôn ngữ đó mà còn là học văn hóa của đất nước đó. Ngoài ra, với môi trường lớp học trực tiếp, mối quan hệ giữa các học viên được củng cố, tạo điều kiện dễ dàng cho các hoạt động luyện tập nhóm và môi trường sử dụng tiếng anh chung cho các học viên trên lớp.
3. Dạy học trực tiếp kết hợp hình thức dạy online
Không thể phủ nhận rằng chính đại dịch Covid 19 đã mở ra một kỉ nguyên mới về giáo dục. Các lớp học nhanh chóng chuyển mình sang hình thức học trực tuyến. Khoảng cách địa lí hay những đợt giãn cách không ngăn được các học sinh được tiếp cận các bài giảng. Điều này mở ra một tiêu chuẩn mới cho người giáo viên toàn diện nên có thể dạy được cả hai hình thức một cách nhuần nhuyễn, để có thể tổ chức được một lớp học trực tiếp mà vẫn duy trì được phần lớn các công cụ và lợi ích của việc giảng dạy online.
Đặc điểm hình thức kết hợp
Nếu như việc dạy học trực tuyến nhấn mạnh vào sức mạnh công nghệ, về sự linh hoạt thì giảng dạy trực tiếp lại là câu chuyện về con người. Hình thức kết hợp ra đời được cấu thành từ sự hướng dẫn trực tiếp trên một nền học trực tuyến một cách nhuần nhuyễn và hợp lý. Phương pháp này dựa trên cơ sở công nghệ tiên tiến, giúp học viên học linh hoạt, chủ động hơn nhưng vẫn được hỗ trợ chặt chẽ, từ đó cá nhân hóa quá trình học tập của học viên một cách phù hợp.
- Toàn bộ bài tập về nhà của học viên được chuyển sang online ở cả trên lớp học trực tiếp. Việc này có thể tiết kiệm thời gian chấm chữa bài cho giáo viên, và giáo viên cũng có thể dẫn link hoặc đưa các tài liệu tham khảo khác cho học viên tại những dạng bài tập có liên quan. Đây là một điều rất khó để triển khai khi thực hiện chấm chữa bài tại lớp học trực tiếp.
- Giáo viên sử dụng các công cụ thông minh như Livestream trên Group lớp. Điều này giúp học viên có thể xem lại bài học khi chưa hiểu rõ, hoặc giúp đỡ các học viên vắng mặt cũng có thể theo kịp được tiến độ của lớp cùng lúc với các bạn khác, khắc phục được nhược điểm về lưu lại bài giảng.
- Giáo viên khi sử dụng công cụ điểm danh Online (Quét mã QR) sẽ giúp tiết kiệm thời gian điểm danh, tránh mất vào thời gian học của lớp.
- Hệ thống Google Classroom triển khai tạo thuận tiện hơn trong việc phân tích bài viết học viên & chỉ ra các lỗi, đặc biệt khi chữa bài writing chung dựa trên bài làm một học viên để cả lớp tham khảo.
- Việc sử dụng màn hình/máy chiếu (với chức năng như share screen trên Zoom) giúp hạn chế chi phí in ấn/công sức in ấn & thời gian phát handout ở lớp. Điều này còn giúp học viên tránh làm thất lạc tài liệu học của mình.
- Trong công tác chấm/chữa bài kiểm tra, thay vì quá trình làm Test trên giấy (in truyền thống & phát cho học viên), giáo viên tổ chức làm test online ngay cả khi lớp học là lớp trực tuyến. Điều này giúp đẩy nhanh tiến độ chấm chữa bài do chấm bài online sẽ nhiều công cụ tự động, phím tắt giúp giáo viên tránh việc phải đánh lại các comment trùng nhau… Ở phía người học cũng dễ dàng theo dõi nhận xét của giáo viên hơn dựa trên các công cụ như Google Doc/Spreadsheet được thiết kế để hỗ trợ Tính năng Nhận xét/Đề xuất, ….
- Các câu quiz được giáo viên tổ chức nhằm ôn tập kiến thức cho học viên có thể được cho lên các phần mềm như Quizzes với giao diện hấp dẫn, giúp giáo viên đỡ mất thời gian làm thủ công powerpoint, hỗ trợ tính điểm/review câu đúng câu sai một cách chính xác.
Ưu điểm của hình thức kết hợp
- Hình thức kết hợp mang lại tính tương tác rất đa dạng. Học viên được tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu một lúc , không chỉ là tài liệu bản cứng giáo viên cung cấp trực tiếp trên lớp mà còn là kho tàng tài liệu trực tuyến (bản đồ, tranh ảnh, hình họa…) . Ngoài ra, học viên còn được tương tác với những đối tượng khác nhau (giáo viên, các học viên khác, các đối tượng khác ngoài phạm vi lớp học….)
- Hình thức kết hợp mang lại một môi trường học đầy linh hoạt, không giới hạn về không gian , thời gian, tùy theo nhu cầu, sở thích của học viên. Tại hình thức này, người học được thực sự trở thành trung tâm của lớp học.
- Đối với mô hình này, các yêu cầu về chuẩn đầu ra được kiểm soát chặt chẽ. Điều này không chỉ tốt cho học viên mà còn tốt cho các giáo viên và trung tâm. Giáo viên và trung tâm sẽ có những đánh giá tốt nhất về quá trình giảng dạy và xây dựng lớp học, từ đó cải tiến và hoàn thiện thêm về chương trình dạy và học.
Nhược điểm của hình thức kết hợp
- Với hình thức kết hợp, việc đảm bảo về cơ sở vật chất của trung tâm đào tạo là một yếu tố then chốt. Trung tâm và nhà trường cần đầu tư các trang thiết bị, phần mềm để phục vụ công tác giảng dạy. Máy chiếu, máy tính kết nối Internet tốc độ cao, máy in, phòng học đa phương tiện, các phần mềm quản lí ….là những thiết bị bắt buộc. Những trang thiết bị này có thể sẽ tiêu tốn một khoản lớn vào công tác đầu tư ban đầu của nhà trường và trung tâm.
- Giáo viên có trình độ chuyên môn tốt nhưng nếu trình độ tin học và kĩ năng kĩ thuật tốt thì cũng sẽ dễ dàng thất bại với phương thức này. Điều này sẽ là thử thách với các giảng viên lớn tuổi. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của giáo viên trong việc tiếp cận các công nghệ , kỹ thuật, phần mềm. Vì vậy ngoài có việc hệ thống cơ sở vật chất tốt, thì sự hỗ trợ phù hợp cho giáo viên là cần thiết để thiết kế các bài giảng trực tuyến, quản lý lớp trực tuyến .
- Học viên thật sự cần phải chủ động với phương thức học này. Việc tự học và tự quyết định chương trình học cho bản thân là yếu tố then chốt cho thành công của hình thức học kết hợp. Tuy nhiên với lối học truyền thống thụ động đã hình thành từ rất lâu, việc thay đổi sẽ cần một nỗ lực rất lớn từ phía học sinh và sự khuyến khích cổ vũ mạnh mẽ từ nhà trường, giáo viên, trung tâm… Nếu không có định hướng đúng đắn, hình thức này sẽ phản tác dụng khi học viên không có sự giám sát từng bước chặt chẽ như mô hình trực tiếp 100%
4. Các gợi ý để buổi giảng offline kết hợp hình thức online hiệu quả hơn
Hiện nay có rất nhiều các mô hình kết hợp giữa việc giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Một vài tiếp phương pháp này có thể như sau:
Mô hình 1
Bước 1: Học viên chuẩn bị và làm quen trước với bài giảng hôm sau thông qua các video và bài tập đã được ghi hình trước đó. Các từ mới được tra đầy đủ để học viên có tổng quan trước
Bước 2: Học viên tới lớp và thảo luận cùng các giáo viên và lớp học dựa trên những nghiên cứu trước đó. Giáo viên tổ chức các hoạt động và trả lời các thắc mắc của học viên nếu có đề đào sâu kiến thức bài giảng
Bước 3: Học viên làm bài về nhà trên hệ thống online. Giáo viên chấm và chữa online. Nếu học viên có bất kì câu hỏi nào về đáp án, giáo viên sẽ trả lời trực tiếp tại lớp học vào buổi sau.
Mô hình 2
Bước 1: Giáo viên và học viên đặt ra lịch học trực tuyến cùng tại thời gian quy định
Bước 2: Giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh qua màn hình trực tuyến. Giáo viên giải đáp trực tiếp mọi thắc mắc của học viên ngay tại lớp học trực tuyến. Giáo viên tạo các hoạt động để học trao đổi thảo luận với nhau trực tuyến
Bước 3: Giáo viên ghi lại bài giảng trực tuyến. Điều này đảm bảo học viên sau buổi giảng vẫn có thể coi lại buổi dạy
Bước 4: Học viên làm bài về nhà trên hệ thống online. Giáo viên chấm và chữa online. Học viên có thắc mắc gì giáo viên trả lời trực tiếp tại lớp học trực tuyến vào buổi sau
Ngoài ra, các giáo viên nên áp dụng một số phương pháp khác để nâng cao chất lượng bài giảng. Phương pháp học đa giác quan nên được khuyến khích và áp dụng, dù là ở lớp học trực tiếp hay gián tiếp. Nhiều người cho rằng nếu tham gia các lớp học online, học viên sẽ không cần sử dụng kĩ năng nói mà chỉ dùng thị giác, thính giác… Nhưng điều này là sai lầm vì nếu như thế học viên sẽ bị thu hẹp khoảng cách tiếp nhận thông tin và truyền tải thông tin của mình. Vì vậy, dù là lớp học trực tuyến hay trực tiếp, học viên cũng cần được phát triển thị giác ( nhìn các tài liệu bổ trợ như các hình họa biểu đạt từ vừng), thính giác (nghe các bài giảng, các file nghe..), xúc giác …và từ đó truyền tải luyện tập và khẩu hình. Kể cả với lớp học online, giảng viên cũng cần phải dùng công nghệ cao, đưa học sinh tách thành các nhóm nhỏ để các em được luyện tập đầy đủ các kĩ năng của mình .
5. Các ứng dụng có thể hỗ trợ giảng dạy kết hợp offline và online
- Zoom, Google Meet, Webex : hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến, có thể tách thành các phòng học nhỏ để học sinh thảo luận. (Tham khảo: 5 công cụ hỗ trợ giảng dạy)
- Quizziz
Giáo viên có thể tạo ra những câu hỏi và trò chơi trên phần mềm này để tăng sự thú vị trong tiết học. Học viên có thể tham gia các khảo sat, học flashcard bài học thậm chí làm bài tập về nhà. Quizizz cũng là một công cụ hỗ trợ cho nhiều thiết bị khác nhau. Một điểm thú vị cho phần mềm này chính là việc người chơi có thể hoàn thành bài kiểm theo tốc độ cá nhân, bài quiz sẽ kết thúc khi tất cả các người chơi hoàn thành xong.
- Notion: tạo soạn giáo án, kết hợp với đăng tải tài liệu, bài tập về nhà cho học sinh.
Giáo viên làm việc dễ dàng và thuận tiện hơn với những dữ liệu của mình. Đồng thời học viên sẽ có thể theo dõi bài giảng và sách vở một cách nhanh chóng.
- PollEV:
Giáo viên tạo câu hỏi bằng dạng poll cho học sinh tham gia. Giáo viên vũng có thể tạo câu hỏi mở, câu hỏi true/false, yes/no trên nền tảng này. Giảng viên lồng ghép ứng dụng này cùng với powerpoint sẽ tạo ra được hiệu ứng rất tốt cho học viên
- Nearpod: là một ứng dụng giúp tăng tương tác của các học viên với nhau trong giờ học.
Học sinh có thể cùng tương tác bằng việc vẽ hoặc ghi chép trực tiếp lên bài giảng. Hơn nữa ứng dụng này còn có một kho tài liệu vứi hàng nghièn bài giảng có sẵn. Điều này giúp giáo viên có thể sáng tạo ra thành những bài học mới hoặc giúp học viên tự nghiên cứu phát triển vốn kiến thức riêng của mình.