Hiện tại hoàn thành và các chú ý về cách hiểu
1. Định nghĩa.
Thì Hiện tại hoàn thành là một thì được sử dụng khá phổ biến trong tiếng Anh. Nhiều bạn rất thuộc định nghĩa sau: thì Hiện tại hoàn thành diễn tả 1 sự việc đã bắt đầu ở quá khứ, kéo dài đến hiện tại, và có thể tiếp tục ở tương lai. Tuy nhiên kể cả khi thuộc lòng định nghĩa thì nhiều bạn vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng nó. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau trả lời một số thắc mắc về thì hiện tại hoàn thành, từ đó giúp các bạn hiểu rõ hơn và sử dụng nó chính xác thoải mái hơn. Các thắc mắc thường gặp là:
Câu hỏi 1: thì Hiện tại là phải nói về hiện tại, thế mà ở đây lại là nói về sự việc ở quá khứ, sao mâu thuẫn vậy?
Câu hỏi 2: sự việc đó có cần kéo dài đến hiện tại (như ở định nghĩa nói) không? Nó kết thúc trước hiện tại thì có được dùng Hiện tại hoàn thành không?
Câu hỏi 3: sự việc đó có cần tiếp tục trong tương lai (như ở định nghĩa nói) không?
Để giải đáp các thắc mắc này, chúng ta cần hiểu rõ bản chất của thì Hoàn thành như sau:
2. Công dụng của thì Hiện tại hoàn thành
Ví dụ: một bà mẹ bắt thằng con trai phải dọn phòng sạch sẽ rồi mới được ra ngoài chơi. Cậu bé dọn phòng xong xuôi, sau đó 10 phút không thấy mẹ đâu thì định chuồn ra ngoài. Nhưng mẹ từ đâu xuất hiện và nói:
Đi đâu đấy, tao bảo mày dọn xong phòng rồi thích đi đâu thì đi cơ mà!
Là một người Việt bản ngữ, cậu bé sẽ dùng câu nào sau đây để trả lời:
Con dọn phòng rồi mà mẹ! Con ra ngoài chơi một lúc mẹ nhé.
Con đã dọn phòng mà mẹ! Con ra ngoài chơi một lúc mẹ nhé.
2 từ “rồi” và “đã” này đại diện cho 2 thì tiếng Anh:
Rồi => Thì hiện tại hoàn thành: I have cleaned up my room.
Đã => Thì quá khứ đơn: I cleaned up my room.
Câu trả lời ở đây là: Con dọn phòng rồi mà mẹ! (=> I have cleaned up my room – thì Hiện tại hoàn thành).
Trong câu chuyện này, khi nói chuyện với mẹ thì cậu bé có một mong muốn: muốn được đi chơi. Vậy là mong muốn này ở thì hiện tại (hiện tại = cùng với thời điểm nói chuyện).
Để đạt được mong muốn này, cậu bé “khoe” ra với mẹ Kết quả của việc dọn nhà: tính đến bây giờ thì phòng dọn xong rồi, sạch rồi => đủ điều kiện đi chơi rồi => bây giờ mẹ cho con đi chơi đi.
Dù việc dọn nhà dù đã diễn ra trong quá khứ và không hề kéo dài đến hiện tại (đã xong trước khi nói chuyện 10 phút), nhưng nó vẫn để lại Kết quả ở hiện tại (phòng dọn xong rồi, sạch rồi). Và người nói đã nhấn mạnh Kết quả này để đạt được mục đích của họ (giống như cậu bé khoe thành quả của mình với mẹ để được đi chơi). Cách nhấn mạnh ở đây chính là việc dùng thì Hiện tại hoàn thành với hành động dọn nhà (hành động gây ra kết quả).
Vậy thì Hiện tại hoàn thành có thể được hiểu như sau: đó là việc nhấn mạnh Kết quả đạt được ở hiện tại của một việc. Việc nhấn mạnh này sẽ giúp làm nổi bật một điều khác trong cuộc nói chuyện (điều khác này chính là ý đồ thực sự của người nói)
2.1. Các loại Kết quả được nhấn mạnh phổ biến.
- Dạng đơn giản nhất: Rồi hoặc Chưa.
Ví dụ: Tôi đã làm xong bài tập rồi. Đến lúc xem TV rồi => I have finished my homework. It’s TV time.
(Mẹ nói với con) Con vẫn chưa làm xong bài tập nên chưa được xem TV đâu => You haven’t finished your homework so you can’t watch TV.
- Dạng con số / độ lớn / độ dài…:
Ví dụ:
I have learned English for 10 years (tôi đã học tiếng Anh 10 năm rồi).
I have been to Paris 5 times (tôi đã từng đến Paris 5 lần)
I have never lied to my dad (tôi chưa bao giờ nói dối bố tôi => số lần nói dối = 0)
I have known him for a long long time (tôi đã quen biết anh ta lâu lắm rồi – khoảng thời gian dài.
2.2. Các loại Ý đồ phổ biến
Mấu chốt để hiểu thì Hiện tại hoàn thành là hiểu rõ ý đồ của người nói: họ muốn thể hiện ý gì mà lại đi nhấn mạnh như vậy? Một số kiểu ý đồ phổ biến là:
Ý đồ đơn giản nhất: tổng kết thành quả có được.
Ví dụ: 2 người bạn nói với nhau
So far we have been friends for 2 years (Tính đến giờ thì chúng tôi đã làm bạn được 2 năm) => ý đồ: tổng kết thời gian làm bạn (2 năm).
Ý đồ phức tạp hơn: giải thích cho một điều khác trong lời nói.
Ví dụ: Sếp nói với nhân viên
You have been late for work too many times. You’re fired! (Anh đã đi làm muộn quá nhiều lần rồi. Anh bị sa thải!) => nhấn mạnh Kết quả “quá nhiều lần đi muộn” để giải thích cho quyết định đuổi việc.
Ý đồ phức tạp hơn nữa: làm nổi bật một ý đồ ẩn, không thể hiện ra bằng lời nói.
Ví dụ: Một cặp đôi đang cãi nhau
Boy: Honey, please, just let me explain. That was just an accident. She means nothing to me. (Em yêu cho anh giải thích đã. Chuyện đấy chỉ là tai nạn thôi. Cô ta không có ý nghĩa gì với anh đâu).
Girl: I think I’ve heard enough. (Tôi nghĩ tôi đã nghe đủ rồi)
=> nhấn mạnh kết quả “nghe đủ lời giải thích rồi” để thế hiện ý đồ: tôi không muốn nghe anh nói nữa. Ý đồ này không được nói ra thành lời, nhưng chỉ nghe câu “nghe đủ rồi” là có thể tự hiểu.
3. Các thắc mắc về thì Hiện tại Hoàn thành.
3.1. Thắc mắc số 1.
“Thì Hiện tại là phải nói về hiện tại, thế mà ở đây lại là nói về sự việc ở quá khứ, sao mâu thuẫn vậy?”
Qua phần 1 ta đã biết được: đúng là thì hiện tại hoàn thành nói về thứ ở hiện tại, nhưng thứ đó thực ra là Kết quả ở hiện tại của một việc gì đó. Việc đó có thể bắt đầu trong quá khứ, thậm chí kết thúc trong quá khứ (như ở ví dụ cậu bé dọn phòng rồi xin đi chơi), nhưng đó không phải điều quan trọng, cái quan trọng là ở giây phút hiện tại này thì Kết quả để lại là gì. Người nói không quan tâm quá trình sự việc diễn ra thế nào (bắt đầu, tiếp diễn, kết thúc lúc nào ra sao), chỉ quan tâm thứ đang có ở hiện tại – chính là Kết quả.
Không chỉ nếu Kết quả ở hiện tại, trong nhiều trường hợp thì người nói còn có ý đồ mục đích rõ ràng, và ý đồ này cũng nằm ở hiện tại. Ví dụ như:
Trong ví dụ “sếp đuổi nhân viên”: ý đồ là “bây giờ đây tôi muốn đuổi anh”
Trong ví dụ “cặp đôi cãi nhau”: ý đồ là “bây giờ đây anh đừng có nói gì nữa”.
3.2. Thắc mắc số 2.
“Sự việc có cần kéo dài đến hiện tại (như ở định nghĩa đầu bài nói) không? Nó kết thúc trước hiện tại thì có được dùng Hiện tại hoàn thành không?“
Như ở mục 2 đã nói, thì hiện tại hoàn thành chỉ quan tâm đến Kết quả, còn quá trình xảy ra sự việc ra sao sẽ không được quan tâm. Sự việc có thể kết thúc từ rất lâu trước đây, như trong ví dụ sau:
2 ông Tây đang bàn xem nên du lịch nước nào, 1 ông đề xuất đi Việt Nam, ông kia hơi băn khoăn về an ninh. Ông đề xuất kia nói:
Don’t worry, I have been to Vietnam 5 times. It’s the most peaceful country in the world.
(Yên tâm đi, tôi đi Việt Nam 5 lần rồi. Đó là đất nước yên bình nhất thế giới)
=> 5 lần đi Việt Nam của người này có thể đã kết thúc từ nhiều năm trước, nhưng vẫn dùng thì hoàn thành ở đây, vì thứ muốn nhấn mạnh là con số 5 lần đi Việt Nam, nhằm thể hiện ý đồ: tôi đi nhiều lần vậy chứng tỏ lời tôi nói về VN là đáng tin, anh tin tôi đi.
3.3. Thắc mắc số 3.
“Sự việc đó có cần tiếp tục trong tương lai (như ở định nghĩa nói) không?“
Như ở mục 2 đã nói, thì hiện tại hoàn thành chỉ quan tâm đến Kết quả, còn quá trình xảy ra sự việc ra sao sẽ không được quan tâm. Sự việc có thể tiếp tục đến tương lai, cũng có thể dừng lại ở hiện tại như ví dụ sau:
I have learned English for 10 years, but I still enjoy it like I did on day one.
(Tính đến nay tôi học tiếng Anh được 10 năm rồi, nhưng vẫn thấy hứng thú như ban đầu)
=> Việc học tiếng Anh sẽ còn kéo dài đến tương lai (vì tôi vẫn rất thích học).
I have learned English for 10 years, but made no progress. Maybe it’s time for another language
(Tính đến nay tôi học tiếng Anh được 10 năm rồi, mà vẫn không khá lên được. Chắc tôi bỏ tiếng Anh sang học tiếng khác thôi.)
=> Việc học tiếng Anh không còn tiếp tục đến tương lai (vì mình chuyển học tiếng khác).
4. Bài tập.
I. Ý đồ của người nói là gì?
A. tổng kết thành quả có được
B. giải thích cho một điều khác trong lời nói
C. làm nổi bật một ý đồ ẩn
Điểm số của bạn là % – đúng / câu
1. I have lived in Ha Noi for 20 years, and the living conditions are not that great.
(Tôi đã sống ở Hà Nội 20 năm nay rồi, và điều kiện sống ở đây không tốt đến thế đâu)
=> C
- Giải thích: Người nói đã sống tại Hà Nội 20 năm nay => làm nổi lên ý đồ ẩn: “Tôi có kinh nghiệm lâu năm tại đây, nên bạn có thể tin tôi, từ đó khiến nhận định đằng sau (điều kiện sống không tốt như bạn tưởng đâu) trở nên thuyết phục hơn”. Việc “có thể tin tôi” không được nhắc đến trong câu => chọn C
2. You don’t have to explain anything. Your actions have spoken for themself.
(Bạn không cần phải giải thích cái gì hết, hành động của bạn đã nói hộ bạn rồi)
=> B
- Giải thích: Câu sau đã bổ sung ý cho câu trước: hành động đã chứng minh cho tôi thấy rồi => không cần phải giải thích nữa. Câu sau là lời giải thích cho câu trước => chọn B
3. You have eaten 4 drumsticks already, and now you want to have some more?
(Bạn đã ăn 4 chiếc đùi rồi, và giờ bạn muốn ăn thêm nữa?)
=> C
- Giải thích: Người nói có ý đồ ẩn: ăn 4 chiếc đùi => ăn quá nhiều, bạn tham ăn quá đấy. Ý đồ này không được nhắc đến trong câu => chọn C
4. I have made 6 calls to my father, but he didn’t answer any of them.
(Tôi đã gọi cho bố tôi 6 cuộc điện thoại, nhưng ông ấy không nhận bất kỳ cuộc nào cả)
=> C
- Giải thích: Thường khi ai đó không nhận cuộc gọi quá nhiều lần, điều gì xấu đã có thể xảy ra => người nói đã biểu đạt ý đồ ẩn: lo lắng cho bố của mình, liệu ông có gặp chuyện gì hay không. Ý đồ này không được nhắc đến trong câu => chọn C
5. I have never been to Japan before, so this type of greeting is quite new to me.
(Tôi chưa từng đến Nhật Bản bao giờ, nên kiểu chào hỏi này của họ khá là mới mẻ đối với tôi)
=> B
- Giải thích: Người nói thấy kiểu chào hỏi này mới mẻ, vì họ chưa từng đi đến đây, chưa từng thấy nó => vế trước giải thích cho vế sau => chọn B