4 phương thức tuyển sinh đại học 2023 phổ biến cần nắm rõ

4 phương thức tuyển sinh đại học 2023 phổ biến thí sinh cần nắm rõ

Trong những mùa tuyển sinh gần đây, các trường Đại học, Cao đẳng đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Việc hàng loạt các phương thức tuyển sinh ra đời ồ ạt có thể sẽ khiến học sinh và phụ huynh “lạc lối”. Trong bài viết này, IZONE sẽ giới thiệu các phương thức tuyển sinh đại học phổ biến, hy vọng giúp các sĩ tử và quý phụ huynh “hóa giải ma trận” tuyển sinh. 

Các phương thức tuyển sinh đại học 2023 phổ biến

Phương thức tuyển sinh đại học

Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT)

Trong quy chế tuyển sinh của mình (quy chế mới nhất ban hành vào năm 2022), Bộ GD&ĐT có liệt kê những đối tượng được xét tuyển thẳng. 

Dựa vào danh sách này, các trường sẽ đưa ra những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn, ví dụ như những đối tượng này sẽ được tuyển thẳng vào những ngành nào, quy trình nộp hồ sơ ra sao,…

Phần lớn các bạn học sinh được xét tuyển thẳng sẽ thuộc nhóm đối tượng 2 như dưới ảnh. (Nếu muốn tìm hiểu thêm về các nhóm đối tượng khác, xin đọc điều 8 trong quy chế mới nhất của bộ GD&ĐT).

Phương thức tuyển sinh đại học

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các trường Đại học sẽ có quy định cụ hơn về quy trình và điều kiện xét tuyển thẳng. 

Ví dụ, theo quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội, một bạn học sinh đạt giải Nhì môn tiếng Anh sẽ được xét tuyển thẳng vào ngành Tiếng Anh công nghệ nhưng không được xét tuyển thẳng vào ngành Khoa học máy tính. Nếu muốn theo học ngành Khoa học máy tính, bạn học sinh này cần phải xét tuyển theo các phương thức khác. 

Do đó, các bạn học sinh thuộc diện được xét tuyển thẳng cần đọc kỹ quy chế tuyển sinh của nhà trường, để xem với loại giải mà mình đoạt được, với môn học mà mình đi thi, mình được đăng ký xét tuyển thẳng vào ngành nào. 

Sau đó, các bạn cần nộp hồ sơ xét tuyển thẳng về trường theo hướng dẫn của trường trong đề án/ phương án tuyển sinh. 

Xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực / đánh giá tư duy

Một hình thức xét tuyển mới đang dần phổ biến trong những năm trở lại đây là xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực / đánh giá tư duy. Một số trường sẽ tự ra đề và tổ chức các kỳ thi riêng gọi là Đánh giá năng lực (ĐGNL) hoặc Đánh giá tư duy (ĐGTD) tùy theo cách đặt tên. 

Trong quy chế tuyển sinh của mình, các trường sẽ có quy định một số điều như sau: 

  • Có sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực hay không?
  • bao nhiêu chỉ tiêu dành cho phương thức này ở mỗi ngành?
  • Thí sinh xét tuyển bằng kết quả bài thi ĐGNL / ĐGTD do đơn vị nào tổ chức?
  • điều kiện tiên quyết nào kèm theo không? (ví dụ như: Thí sinh đạt hạnh kiểm Tốt trong cả ba năm cấp III, đã tốt nghiệp THPT,…)
  • điều kiện đăng ký xét tuyển nào kèm theo không? (ví dụ như: để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải có điểm ĐGNL lớn hơn hoặc bằng 80 điểm- mức điểm sàn)

Các thí sinh nếu có nguyện vọng và đáp ứng được các điều kiện tiên quyết, điều kiện đăng ký xét tuyển sẽ thực hiện đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL/ĐGTD dựa theo hướng dẫn và quy định của từng trường.

Sau đó, các trường sẽ xét điểm thi đánh giá năng lực từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu từng ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. 

Phương thức tuyển sinh đại học

[Xem thêm]: Hướng dẫn đăng ký thi đánh giá năng lực 2023 tại các trường đại học

Xét tuyển theo học bạ

Xét tuyển theo học bạ, hay nói cách khác là xét tuyển bằng kết quả học tập cấp THPT cũng là một phương thức xét tuyển mới trong những năm gần đây.

Mỗi trường thường sẽ có các yêu cầu khác nhau. Có trường sẽ xét kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Có trường chỉ yêu cầu kết quả của lớp 11 và kỳ 1 lớp 12, nhưng có trường lại yêu cầu thêm kết quả của năm lớp 10. Mỗi trường cũng có hệ thống tính điểm xét học bạ riêng. 

Tuy nhiên, phần lớn các trường sẽ tính điểm xét học bạ bằng cách cộng điểm trung bình các môn thuộc các tổ hợp xét tuyển (theo ngành) và cộng thêm điểm ưu tiên quy đổi (nếu có).

Ta có ví dụ giả định như sau: 

Một bạn học sinh A được giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh muốn xét tuyển bằng học bạ vào ngành Kinh tế đối ngoại trường đại học X. Trường Đại học X có quy định như sau:

  • Tổ hợp xét tuyển của ngành X là A01 (3 môn Toán, Lý, Anh) và D01 (Toán, Văn, Anh).
  • Giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh được quy đổi thành 3 điểm ưu tiên đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Bạn A thấy tổng trung bình điểm 3 môn Toán Lý Anh của mình cao hơn Toán Văn Anh. Do đó, bạn quyết định chọn tổ hợp A01 để xét học bạ. 

Khi đó, điểm để xét tuyển học bạ của bạn A là:

  • Điểm trung bình học bạ môn Toán + Điểm trung bình học bạ môn Lý + Điểm trung bình học bạ môn Anh + 3 (điểm ưu tiên)

Sau đó, trường Đại học X sẽ sắp xếp điểm xét tuyển học bạ của các thí sinh từ cao xuống thấp, lấy từ trên xuống cho đến khi hết chỉ tiêu ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. 

Về cơ bản, nguyên lý hoạt động của việc xét học bạ là như trong ví dụ trên, nhưng như đã nói, cách thức tính điểm, yêu cầu về học bạ của mỗi trường là không giống nhau. Vì vậy, các sĩ tử và gia đình cần tìm hiểu hết sức cẩn thận. 

Phương thức tuyển sinh đại học

Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT

Bên cạnh các phương thức xét tuyển mới đã nêu ở trên, các trường vẫn dành ra một số chỉ tiêu cho phương thức truyền thống: xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT

Các thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với các môn thi bắt buộc (Toán, Văn), lựa chọn 1 ngoại ngữ và tổ hợp tự nhiên hoặc tổ hợp xã hội. Sau đó, thí sinh sẽ lựa chọn các tổ hợp thích hợp (A, A01, A02, B, D01,…) để xét tuyển vào các ngành học và cơ sở đào tạo theo mong muốn của mình.

Điểm để xét tuyển sẽ là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của bộ GD&ĐT. 

Các trường Đại học, Cao đẳng sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu của từng ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. 

[Xem thêm]: Phân biệt điểm ưu tiên, điểm khuyến khích khi thi tốt nghiệp THPT

Lưu ý về phương thức tuyển sinh đại học 2023

Phân biệt điểm ưu tiên, điểm khuyến khích khi thi tốt nghiệp THPT

Lưu ý 1:

Như đã nói ở trên, mỗi trường sẽ công bố một phương án tuyển sinh riêng của trường mình. Về cơ bản, tên các phương thức tuyển sinh giữa các trường có thể giống nhau, đều là “phương thức xét tuyển bằng bài thi ĐGNL”, “phương thức xét tuyển thẳng”,… nhưng mỗi trường sẽ có những yêu cầu, quy định, quy trình đăng ký, nộp hồ sơ không giống nhau.

Do đó, sau khi khoanh vùng được các trường có ngành mình muốn theo học, các sĩ tử và gia đình cần nghiên cứu thật kỹ phương án tuyển sinh do các trường Đại học, Cao đẳng đó đã công bố. 

Lưu ý 2: 

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh đều phải đăng ký nguyện vọng của tất cả các phương thức xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Hay nói cách khác, kể cả những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm theo các phương thức khác ngoài xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải cập nhật nguyện vọng xét tuyển của mình theo đúng thứ tự ưu tiên lên lên hệ thống tuyển sinh chung. 

Kết quả cuối cùng sau đó mới được hệ thống xét tuyển chung lọc, sắp xếp và thông báo đến cho thí sinh.

Phương thức tuyển sinh đại học 2023 tại các trường đại học

Giữa ma trận các phương thức tuyển sinh, làm thế nào để có được những thông tin chính xác, đáng tin cậy?

Cách đơn giản nhất là đọc phương án tuyển sinh trực tiếp trên website chính thức của các trường Đại học. 

Cách thứ hai là truy cập những nguồn ngoài đáng tin cậy, ví dụ như Cổng thông tin điện tử chính phủ. Để phục vụ các sĩ tử mùa thi, cổng thông tin chính phủ điện tử đã có riêng một chuyên mục tổng hợp các phương án tuyển sinh của các trường Đại học năm 2023

Phương thức tuyển sinh đại học

Đến hiện nay, hầu như tất cả các trường Đại học uy tín, chất lượng đều đã công bố phương án tuyển sinh của mình. Dưới đây, IZONE có tổng hợp các đường link thông tin về đề án, phương án tuyển sinh của một số trường Đại học uy tín được đăng tải trên website chính thức của trường. 

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân4 phương thức xét tuyểnĐề án tuyển sinh đại học năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội6 phương thức xét tuyểnCác phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương năm 2023
Đại học Bách khoa Hà Nội3 phương thức xét tuyểnThông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2023
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội5 phương thức xét tuyểnThông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2023
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TPHCM5 phương thức xét tuyểnPhương án dự kiến tuyển sinh đại học chính quy 2023
Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TPHCM5 phương thức xét tuyểnThông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2023

Hy vọng thông qua bài viết vừa rồi, IZONE đã giúp các sĩ tử cùng các phụ huynh phần nào hiểu cách thức hoạt động của 4 phương thức tuyển sinh đại học năm 2023 phổ biến. 

Để tránh lạc lối giữa mê cung phương thức tuyển sinh, các thí sinh có thể làm theo các bước sau. Bước 1: các thí sinh cùng gia đình cần phải xác định ngành học mình muốn theo đuổi, trường có các ngành học. Bước 2: các thí sinh cần tìm hiểu kỹ về đề án, phương án tuyển sinh của từng trường. Bước 3: các thi sinh sẽ cân nhắc lựa chọn những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với bản thân. 

Chúc mùa tuyển sinh năm nay, các sĩ tử đều đạt được nguyện vọng mong muốn của bản thân. Chúc các bạn may mắn.