Phương pháp CLIL trong dạy học tiếng Anh
Phương pháp CLIL (Content and Language Integrated Learning) đã và đang dần trở thành một trong những xu hướng trong việc giảng dạy tiếng Anh hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại, chắc hẳn vẫn còn nhiều thầy cô chưa biết phương pháp CLIL là gì. Trong bài viết này, IZONE sẽ giúp thầy cô nắm được phương pháp CLIL và hiểu rõ được những điểm có lợi cũng như thách thức của phương pháp này đối với cả giáo viên và học sinh.
Phương pháp CLIL là gì?
Phương pháp CLIL (Content and Language Integrated Learning) là một phương pháp giảng dạy tích hợp giữa việc học nội dung kiến thức và học ngôn ngữ mục tiêu. Phương pháp này được phát minh bởi Tiến sĩ David Marsh và Anne Maljers vào năm 1994.
Phương pháp này tập trung vào việc giúp học viên có thể cải thiện được cả ngôn ngữ mục tiêu (thường là tiếng Anh) và phát triển các kiến thức chuyên biệt như khoa học, xã hội, toán học, nghệ thuật, và các chủ đề khác.
Để hình dung rõ hơn, bạn có thể tưởng tượng rằng, khi giảng dạy theo phương pháp này, bạn sẽ không giảng giải các kiến thức bằng tiếng mẹ đẻ, mà sẽ dạy học bằng tiếng Anh.
Chẳng hạn, bạn là một giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên và giảng dạy về chu kỳ nước và quá trình tuần hoàn nước trên Trái Đất. Thay vì chỉ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Việt) để nói về chu trình này, thì bạn sẽ dùng tiếng Anh để giảng dạy.
Trong quá trình giảng dạy, bạn sẽ không chỉ giải thích về từng bước trong chu kỳ này mà còn sử dụng các từ vựng và cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh liên quan như “water cycle (chu trình nước)“, “evaporation (bốc hơi)“, “condensation (ngưng tụ)“, và “precipitation (lượng mưa)“.
Lợi ích của phương pháp CLIL
Dưới đây, IZONE sẽ chia sẻ một số lợi ích tiêu biểu của việc áp dụng phương pháp CLIL trong quá trình giảng dạy của giảng viên cũng như lợi ích mà nó đem lại cho học viên
Đối với giảng viên
- Nâng cao trình độ ngôn ngữ: Chắc chắn rồi! Bởi vì giảng viên sẽ cần sử dụng các ngôn ngữ mục tiêu vào việc giảng dạy các kiến thức chuyên môn, do đó việc sử dụng phương pháp CLIL sẽ giúp giảng viên cải thiện và nâng cao trình độ sử dụng ngôn ngữ mục tiêu.
- Phát triển kỹ năng giảng dạy linh hoạt: Phương pháp CLIL yêu cầu giảng viên tích hợp ngôn ngữ và nội dung học thuật, từ đó phát triển kỹ năng giảng dạy linh hoạt và sáng tạo.
- Nâng cao sự tự tin và hứng thú trong giảng dạy: Phương pháp CLIL có thể tạo ra một cảm giác thành tựu khi giáo viên thấy học sinh tiến bộ không chỉ trong kiến thức môn học mà còn trong việc sử dụng ngôn ngữ mục tiêu.
Đối với học viên
- Phát triển kỹ năng ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn: Phương pháp CLIL giúp học sinh phát triển ngôn ngữ mục tiêu (ví dụ: tiếng Anh) thông qua việc sử dụng ngôn ngữ này để học các môn học khác. Điều này không những có thể giúp học sinh cải thiện được ngôn ngữ mục tiêu mà còn tăng cường được kiến thức chuyên môn.
- Phát triển kỹ năng học tập tự chủ: Khi học theo phương pháp này, học sinh được khuyến khích đọc và nghiên cứu tài liệu, từ đó phát triển kỹ năng tự học. Thông qua đó giúp học sinh có thể chủ động học tập dựa trên khả năng của bản thân.
- Tạo điều kiện học tập phong phú: Bằng cách kết hợp ngôn ngữ và nội dung học thuật, CLIL tạo ra một môi trường học tập phong phú và đa dạng, giúp học sinh hiểu sâu hơn về các môn học và ngôn ngữ.
Những thách thức của việc áp dụng phương pháp CLIL trong dạy học
Mặc dù phương pháp CLIL đem lại được nhiều lợi ích cho cả giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy và học tập. Tuy nhiên điều này không có nghĩa, phương pháp này không có những mặt hạn chế.
Dưới đây IZONE sẽ liệt kê những thách thức trong việc sử dụng phương pháp CLIL để dạy học:
- Thách thức về mặt chuyên môn: Các thầy cô không những cần sử dụng thành thạo ngôn ngữ mục tiêu mà còn cần được đào tạo chuyên môn để tích hợp hiệu quả nội dung và ngôn ngữ vào việc giảng dạy của họ. Nếu thiếu đi một trong hai điều quan trọng này, thì rất khó để thầy cô có thể sử dụng phương pháp CLIL một cách hiệu quả.
- Nguồn tài liệu khan hiếm: Việc tìm kiếm các tài liệu phù hợp với phương pháp CLIL có thể là một thách thức lớn đối với giáo viên. Bởi vì, có thể với mỗi trường học lại sử dụng một bộ giáo trình khác nhau, do đó việc tìm kiếm tài liệu về phương pháp CLIL theo từng bộ giáo trình đó gần như là bất khả thi. Và chính vì điều này, giáo viên sử dụng phương pháp CLIL thường cần tạo hoặc điều chỉnh tài liệu của riêng mình.
- Đánh giá: Bên cạnh việc chuẩn bị nội dung bài giảng theo phương pháp học CLIL, thầy cô cũng cần thiết kế các đánh giá cho buổi giảng dạy của mình. Bởi vì dù áp dụng bất kỳ phương pháp nào, thì việc đánh giá về sự hiệu quả của nội dung kiến thức và đánh giá trình độ ngôn ngữ là điều cần thiết trong quá trình dạy học.
- Hạn chế về thời gian: Việc tích hợp cả nội dung và ngôn ngữ trong một bài học đòi hỏi phải lập kế hoạch và quản lý thời gian cẩn thận bởi vì một tiết học thường không có quá nhiều thời gian. Nếu không quản lý thời gian tốt, rất có thể sẽ dẫn tới vấn đề như cháy giáo án.
Những yếu tố của một bài học dựa vào phương pháp CLIL
Theo (Coyle 1999 & Coyle 2008), có 4 yếu tố để có một bài giảng dạy thành công theo phương pháp CLIL.
- Content (nội dung)
- Communication (giao tiếp xã hội)
- Cognition (nhận thức)
- Culture (văn hóa)
Và những yếu tố trên còn được gọi tắt là yếu tố 4Cs của CLIL
Content
Yếu tố này nói về sự tiến bộ của học sinh về mặt kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết liên quan đến các chủ đề cụ thể của một bài học, chương trình giảng dạy nhất định.
Communication
Yếu tố này nói về việc học sinh cần sử dụng ngôn ngữ để học trong khi học cách sử dụng ngôn ngữ.
Cognition
Yếu tố này nói về việc giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy về việc hình thành khái niệm (trừu tượng và cụ thể), hiểu biết và ngôn ngữ.
Theo nghiên cứu của Coyle, Hood và Marsh (2010), thì nhận thức gồm các quá trình như:
Quá trình | Một số hoạt động liên quan |
Remembering (nhớ) | Dán nhãn, liệt kê, xác định, so khớp, gọi tên, đọc thuộc lòng, đánh vần, nêu sự kiện, kể |
Understanding (hiểu) | Phân loại, so sánh, định nghĩa, mô tả, vẽ, đưa ra ví dụ, sắp xếp, dự đoán, trình tự, dịch |
Applying (thực hành) | Tính toán, thử nghiệm, tìm hiểu, phỏng vấn, chuẩn bị, trình bày, nghiên cứu, trình bày |
Analysing (phân tích) | Phân tích, lựa chọn, quyết định, suy luận, kiểm tra, đưa ra lý do, biện minh, chỉ ra sự khác biệt giữa, giải quyết |
Evaluating (đánh giá) | Kết luận, xem xét, đưa ra ý kiến, đánh giá, chứng minh, đánh giá, đề nghị |
Creating (sản xuất) | Xây dựng, thay đổi, sáng tác, sáng tạo, thiết kế, tưởng tượng, phát minh |
Culture
Yếu tố này nói về việc học sinh cần được tiếp xúc với những quan điểm khác nhau và những hiểu biết chung, giúp nâng cao nhận thức về người khác và bản thân.
Mẫu bài giảng dựa vào phương pháp CLIL
Dưới đây, IZONE xin gửi đến các bạn một mẫu bài giảng dựa vào phương pháp CLIL:
Tổng kết
CLIL là một phương pháp giáo dục trong đó các môn học được dạy bằng tiếng nước ngoài hoặc ngôn ngữ thứ hai, với mục đích phát triển đồng thời trình độ ngôn ngữ và kiến thức môn học.
Các đặc điểm chính của CLIL bao gồm:
- Tích hợp Ngôn ngữ và Nội dung: Các bài học CLIL tích hợp việc học ngôn ngữ với việc giảng dạy nội dung môn học. Điều này có nghĩa là học sinh được tiếp xúc đồng thời với cả việc học ngôn ngữ và môn học.
- Tài liệu học tập: CLIL thường sử dụng các tài liệu xác thực liên quan đến chủ đề được giảng dạy, chẳng hạn như các bài báo, video và các tài nguyên khác, để cung cấp cho học sinh khả năng tiếp xúc thực tế với ngôn ngữ.
- Tập trung vào giao tiếp: CLIL nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ mục tiêu, khuyến khích học sinh sử dụng ngôn ngữ này để bày tỏ ý tưởng, đặt câu hỏi và tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến chủ đề.
- Nhận thức về văn hóa: CLIL cũng thúc đẩy nhận thức về văn hóa bằng cách cho học sinh tiếp xúc với các nền văn hóa gắn liền với ngôn ngữ mục tiêu.
IZONE hy vọng, qua bài viết này, các thầy cô đã nắm rõ hơn về phương pháp CLIL cũng như những điểm có lợi, và mặt hạn chế của phương pháp này trong quá trình giảng dạy của mình