Grammar | IZONE

Unit 13 – Phân từ

Ở các bài 9, 10, 11, 12, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu 2 loại cụm từ phổ biến là Danh động từĐộng từ nguyên thể, với đặc điểm chung là: cùng bắt nguồn từ Động từ, nhưng những cụm từ này lại đóng vai trò của Danh từ, Tính từ, Trạng từ trong câu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một loại cụm từ có tính chất giống như vậy, đó là Phân từ.

1. Khái niệm phân từ và chức năng của nó trong câu

Giả sử có 2 bà mẹ đến đón con ở trường mẫu giáo, cả lớp đang chơi trong lớp và ngoài sân. Bà này quay sang hỏi bà kia: Thế con chị đâu? Bà mẹ kia sẽ trả lời:

Thằng bé đang chơi bên ngoài là con tôi.

Khi được yêu cầu xác định chủ ngữ – vị ngữ của câu này, một số bạn sẽ gặp khó khăn. Liệu sẽ là:

Thằng bé ___ đang chơi bên ngoài là con tôi.

 Chủ ngữ         Vị ngữ

Hay là:

Thằng bé đang chơi bên ngoài ___ là con tôi?

Chủ ngữ                                               Vị ngữ

Ở đây cách hiểu đúng sẽ là: Thằng bé đang chơi bên ngoài (Chủ ngữ) ___ là con tôi (tân ngữ)

Trong đó, Nội dung chính nhất của phần chủ ngữ là Thằng bé. Còn đang chơi bên ngoài sẽ là thông tin phụ cho Thằng bé, với tác dụng là giúp phân biệt thằng bé này với các thằng bé khác (là thằng đang chơi bên ngoài chứ không phải bên trong). 

phan-tu-1

Điều này cũng giống như khi được hỏi: Trong 2 chiếc xe màu xanh và đỏ này, đâu là xe của anh? Cái xe màu đỏ là của tôi. Ở đây tính từ “màu đỏ” là thông tin phụ giúp phân biệt xe của mình với những chiếc xe khác.

Một trường hợp khác: tổng biên tập một tờ báo nói với nhân viên:

Tôi thích câu chuyện được viết bởi bạn anh.

Ở đây Tôi (Chủ ngữ) __ thích (hành động) __ câu chuyện (tân ngữ) đã tạo nên một câu đầy đủ. Phần được viết bởi bạn anh là một thông tin phụ cho câu chuyện, giúp phân biệt nó với các câu chuyện khác trên đời.

phan-tu-2

Phiên bản tiếng Anh của 2 câu ví dụ trên sẽ là:

  • The boy playing outside is my son.

(Thằng bé đang chơi bên ngoài là con tôi.)

  • I like the story written by your friend.

(Tôi thích câu chuyện được viết bởi bạn anh.)

Cũng giống phiên bản tiếng Việt, ở bản tiếng Anh thì “playing outside” và “written by your friend” là 2 cụm từ nêu thông tin phụ cho các danh từ “boy” và “story”. Nói cách khác, các cụm từ này đóng vai trò tương tự như một tính từ bổ sung thêm thông tin cho các danh từ đó. 

Trong các cụm từ này thì nội dung chính nhất là một động từ đã được biến đổi (playing, written) để mang chức năng như một tính từ – người ta gọi các tính từ đặc biệt này là Phân từ, và cụm từ chứa nó được gọi là các cụm Phân từ trong tiếng Anh. 

Như vậy:
Phân từ là một động từ được biến đổi dạng thức để đóng vai trò tương tự như một tính từ.
Cụm Phân từ là một cụm từ có phân từ làm nội dung chính nhất.

2. Các loại phân từ và cách tạo ra chúng

Trong câu: “Thằng bé đang chơi bên ngoài là con tôi”, giữa Danh từ chính “Thằngbé và hành động “chơi có mối quan hệ: thằng bé là người thực hiện hành động chơi, nói cách khác mối quan hệ xuất hiện ở đây giống như mối quan hệ gặp trong một câu chủ động. Để thể hiện những mối quan hệ chủ động thế này, chúng ta sử dụng các phân từ thuộc loại Phân từ hiện tại.

phan-tu-10

Trong câu: Tôi thích câu chuyện được viết bởi bạn anh, giữa Danh từ chính “Câu chuyện” và hành động “viết” có mối quan hệ: câu chuyện được viết ra, nói cách khác mối quan hệ xuất hiện ở đây giống như trong mối quan hệ gặp trong một câu bị động. Để thể hiện những mối quan hệ bị động thế này, chúng ta sử dụng các phân từ thuộc loại Phân từ quá khứ.

phan-tu-9

Trong tiếng Việt, dù là Phân từ loại nào thì ngoại hình của chúng cũng không có gì thay đổi so với động từ ban đầu (chơi, viết…). Nhưng trong tiếng Anh, những động từ này sẽ được biến đổi để báo hiệu cho người đọc biết: nó đã chuyển sang đóng vai trò tính từ trong câu rồi nhé. Cách biến đổi như sau:

  • Với Phân từ hiện tại: thêm đuôi -ing vào sau động từ, ví dụ: playing, wearing.
  • Với Phân từ quá khứ: có 2 trường hợp:

– Với động từ có quy tắc (Play, Look…): thêm đuôi -ed vào sau động từ, ví dụ như: Played, Looked

– Với động từ bất quy tắc (Send, Break): biến đổi hẳn ngoại hình của động từ, ví dụ như: Sent, Broken.

Vậy khi biến đổi động từ thành phân từ quá khứ, làm thế nào để biết động từ nào là có quy tắc – bất quy tắc? Ngoài việc học thuộc, chúng ta có thể tra từ điển, ví dụ như khi tra từ “go”, các bạn hãy nhấn vào phần Verb Forms và tìm đến phần Past participle (quá khứ phân từ – phần được đóng khung và đánh dấu *). Khi đó, các bạn có thể dễ dàng xác định được dạng Quá khứ phân từ của từ “go” là “gone

phan-tu-8
Tóm lại, ta có hai loại phân từ:

Phân từ hiện tại sử dụng để thể hiện mối quan hệ chủ động, được tạo ra bằng cách thêm đuôi -ing vào sau động từ (ví dụ: play -> playing).

Phân từ quá khứ sử dụng để thể hiện mối quan hệ bị động, được tạo ra bằng cách thêm đuôi -ed vào sau động từ  (ví dụ: play -> played) hoặc tra bảng động từ bất quy tắc nếu đó là động từ bất quy tắc  (ví dụ: wear -> worn).

3. Phân từ bổ nghĩa cho Danh từ cạnh nó

Xét ba ví dụ sau:

  • She only eats cakes made by her mother

(Cô ấy chỉ ăn bánh được làm bởi mẹ mình) 

Cụm phân từmade by her mother” (với  nội dung chính là phân từ quá khứmade” ( bánh được làm – bị động)) đóng vai trò như một tính từ, nêu thông tin phụ cho danh từ “cakes”, giúp phân biệt những cái bánh này với các cái bánh khác trên đời.

  • Filtered water tastes delicious. 

(Nước lọc có vị ngon)

Phân từ quá khứFiltered” (nước được lọc – bị động) đóng vai trò như một tính từ, nêu thông tin phụ cho danh từ “water”, giúp phân biệt loại nước này với các loại nước khác.

  • Julia is on the train arriving at Platform 3.

(Julia đang ở trên chuyến tàu tiến vào sân ga số 3).

Phân từ hiện tại “arriving” (tàu đang tiến đến – chủ động) đóng vai trò như một tính từ, nêu thông tin phụ cho danh từ “train”, giúp phân biệt tàu này với các tàu khác.

Vậy là, Phân từ, với chức năng tương tự một tính từ, có thể được dùng để bổ sung nghĩa cho Danh từ đứng cạnh nó.

4. Phân từ làm Kết quả của hành động: Have something done

Bài 4 – 2 dạng câu mở rộng của S-V-O, chúng ta đã được làm quen với dạng câu Chủ ngữ – Hành động – Tân ngữ – Kết quả, trong đó phần Kết quả thường được thể hiện bằng tính từ. Ví dụ: 

phan-tu-11

Trình tự sự việc là: Mai tác động đến Hoa, sau đó ở Hoa xuất hiện một tính chất mới là tâm trạng Hạnh phúc, thể hiện bởi tính từhappy”.

Do phân từ cũng là một dạng tính từ, nên Cấu trúc Chủ ngữ – Hành động – Tân ngữ – Kết quả cũng được áp dụng với các phân từ.

Xét ví dụ 1:

Hôm qua chúng tôi đã đi sửa xe.

Sự việc ở đây là chúng tôi đã đến tiệm sửa xe, đưa tiền cho thợ sửa, và chính người thợ này mới là người trực tiếp sửa xe. Trong trường hợp này chúng tôi không tự sửa xe, mà chỉ “tác động” bằng tiền để cái xe được sửa.

Trình tự sự việc sẽ là: Chúng tôi tác động (bằng tiền) lên cái xe, khiến nó xuất hiện một tính chất mới được sửa chữa (bởi tay một người khác, là người thợ). 

Tính chất này trước đó chưa có (xe bị hỏng, có vấn đề), sau sự “tác động bằng tiền” của chúng tôi thì nó mới xuất hiện.

Việc “tác động” như thế này không được thể hiện bằng từ cụ thể nào trong tiếng Việt, nhưng trong tiếng Anh thì được thể hiện bời từ “have”. Câu ví dụ trên bằng tiếng Anh sẽ là:

We had our car repaired yesterday. 

Phân từ quá khứ “repaired” ở đây đóng vai trò là 1 tính từ, nêu tính chất mới có của cái xe sau khi được chúng tôi “tác động” bằng tiền.

phan-tu-7

Xét ví dụ 2:

Chúng ta đến với một câu nói do một trưởng phòng kinh doanh nói với đối tác:

Tôi đã cho gửi hợp đồng đến công ty anh.

Câu chuyện ở đây là: trưởng phòng dùng quyền lực ra lệnh cho cấp dưới gửi tài liệu hợp đồng đến công ty đối tác. Vậy là trưởng phòng đã “tác động” bằng quyền lực để hợp đồng được gửi đi. Câu tiếng Anh sẽ là:

I had the bill sent to your company.

Phân từ quá khứ sent ở đây đóng vai trò là 1 tính từ, nêu tính chất mới có của tài liệu hợp đồng sau khi được trưởng phòng “tác động” bằng quyền lực.

phan-tu-6

Ngoài “Have”, trong tiếng Anh bạn có thể bắt gặp từ “Get” với ý nghĩa tương từ (We got our car repaired yesterday, I got the bill sent to your company). 

Như vậy, ta có cấu trúc rất thông dụng như sau:
Chủ ngữ + Have / Get + something + Phân từ quá khứ
Cấu trúc này thể hiện việc một người dùng tiền/quyền lực/ tác động nào đó khác để khiến một việc được thực hiện giúp cho mình bởi người khác. Trong đó:
Have/Get chính là động từ thể hiện tác động của chủ ngữ (bằng tiền / bằng quyền lực/ điều nào đó khác)
something là sự vật, sự việc chịu tác động
Phân từ quá khứ tương đương một tính từ, chỉ kết quả của hành động (chính là tính chất mới của sự vật, sự việc sau khi chịu tác động)

5. Ứng dụng của Phân từ trong nối dài câu nói

Phân từ không chỉ có thể dùng để thể hiện kết quả của hành động như đã nói trên mục 4. Ta còn có thể sử dụng phân từ để nối dài câu nói.

Xét câu sau:

Gia đình anh ấy lo lắng về việc anh ấy độc thân quá lâu.

Phần “Gia đình anh ấy lo lắng về việc…” chuyển sang tiếng Anh là: “His family was worried about …”

Phần “anh ấy độc thân quá lâu” chuyển sang tiếng Anh là: “he was single for too long”.

Vậy làm sao để nối chúng lại? 

Nhiều bạn sẽ nói: “His family was worried about he was single for too long”

Tuy nhiên đây là một câu sai, vì sau giới từ “about” chỉ cần một danh từ để tạo thành một Cụm giới từ (như ta học trong bài 6), trong khi “he was single for too long” là cả 1 câu đủ chủ ngữ – vị ngữ, có chia động từ đầy đủ.

phan-tu-5

Để nói đủ ý mà vẫn đúng ngữ pháp, chúng ta sẽ biến câu “he was single for too long” thành một cụm từ tương đương một danh từ: him being single for too long, tức là gồm 1 đại từ (him) + phần thông tin phụ cho nó (Cụm phân từ hiện tại “being single for too long). Câu hoàn chỉnh sẽ là:

His family was worried about him being single for too long.

Vậy là “about him being single for too long” vẫn đảm bảo là một Cụm giới từ, với “about” là giới từ, “him being single for too long” tương đương danh từ phụ sau, vẫn đủ ý “độc thân quá lâu”. Trong cụm “him being single for too long”, “him” là đại từ, tương đương danh từ chính, “being single for too long chính là cụm phân từ hiện tại tương đương với một tính từ bổ nghĩa cho danh từ chính. 

phan-tu-4

Trong tiếng Anh còn nhiều câu có sự kết hợp như vậy, ví dụ như khi tả nội dung một bức ảnh:

(Thám tử tư): Đây là bức ảnh chồng bà hôn cô trợ ký của ông ta.

=> This is a photo of your husband kissing his assistant.

Một ví dụ khác:

Ai cũng đang bàn tán chuyện anh ta gian lận trong kỳ thi.

=> Everybody is talking about him cheating in the exam.

Hoặc:

Tôi vẫn nhớ cảnh bạn học của tôi trốn học và bị tóm.

I still remember my classmates skipping class and getting caught.

Chúng ta có thể rút ra kết luận:
Ngoài các ứng dụng trong các mục 3,4, Phân từ có thể được dùng để nối dài câu nói, giúp người nói truyền đạt ý được đầy đủ, cụ thể hơn.

Dưới đây là phần sơ đồ tư duy tổng hợp lại kiến thức của bài 13:

phan-tu-3

6. Bài tập ứng dụng

 

Bài 1: Xác định Phân từ trong các câu sau. Phân từ vừa xác định làm rõ nghĩa cho từ nào trong câu? 

 

Phân từ

Từ được làm rõ nghĩa

1. The boy wearing the red shirt is Jerry.

2. Broken dishes were all over the floor.

3. He is a loving husband.

4. Monica saw her cousin walking along the beach.

5. I collected all the flowers cut by the gardener.

6. I don't want to have to lie about us being married.

7. I heard someone singing.

8. My boss spends two hours a day travelling to work.

9. I had my hair cut.

10. Don’t your parents mind you staying out so late?

 

Bài 2: Chọn dạng Phân từ đúng (hiện tại/quá khứ) trong các câu sau. 

 

1. The people (exercising/exercised) every day lost the most weight.
2. All the food (eating/eaten) by the king was delicious.
3. The man (living/lived) near my home walks to work every day.
4. The books (lying/lain) on the floor are mine.
5. There were many employees (working/worked) very hard.
6. Most people (inviting/invited) to the party didn’t show up.
7. I got my car (washing/washed).
8. I really appreciate you (helping/helped) me out.
9. My friendly neighbors don’t have any problems with me (living/lived) here.
10. The books (written/writing) by James Patterson are popular with people of all ages.

Điểm số của bạn là % - đúng / câu

Đáp án và giải thích

Bài 1: Xác định Phân từ trong các câu sau. Phân từ vừa xác định làm rõ nghĩa cho từ nào trong câu?

Dịch nghĩa

Phân từ

Từ được làm rõ nghĩa

1. The boy wearing the red shirt is Jerry.

Cậu bé mặc áo đỏ là Jerry.

wearing 

boy

2. Broken dishes were all over the floor.

Những chiếc đĩa vỡ nằm đầy trên sàn.

Broken 

dishes 

3. He is a loving husband.

Anh ấy là một người chồng đầy yêu thương.

loving 

husband

4. Monica saw her cousin walking along the beach.

Monica thấy em họ mình đi bộ dọc bãi biển.

walking 

cousin

5. I collected all the flowers cut by the gardener.

Tôi nhặt lại tất cả những bông hoa được cắt bởi người làm việc.

cut 

flowers 

6. I don’t want to have to lie about us being married.

Anh không muốn phải nói dối về việc chúng ta kết hôn.

being

us 

7. I heard someone singing.

Tôi nghe thấy ai đó hát.

singing

someone 

8. My boss spends two hours a day travelling to work.

Sếp tôi dành hai tiếng mỗi ngày để đi đến chỗ làm.

travelling 

spends 

9. I had my hair cut.

Tôi đã đi cắt tóc.

cut

hair 

10. Don’t your parents mind you staying out so late?

Bố mẹ cậu không phiền nếu cậu về muộn à?

staying 

you 

Bài 2: Chọn dạng Phân từ đúng (hiện tại/quá khứ) trong các câu sau:

Đáp án + Dịch

Giải thích

1. The people exercising every day lost the most weight.

Những người tập thể dục hằng ngày giảm nhiều cân nhất.

The people (những người) thực hiện hành động exercise (tập thể dục) => Chủ động 

=> Phân từ hiện tại exercising.

2. All the food eaten by the king was delicious.

Tất cả đồ ăn được ăn bởi nhà vua đều ngon.

All the food (Tất cả đồ ăn) chịu sự tác động của hành động eat (ăn) => Bị động 

=> Phân từ quá khứ eaten.

3. The man living near my home walks to work every day.

Người đàn ông sống gần nhà tôi đi bộ đi làm mỗi ngày.

The man (người đàn ông) thực hiện hành động live (sống) => Chủ động 

=> Phân từ hiện tại living.

4. The books lying on the floor are mine.

Những quyển sách nằm trên sàn là của tôi.

The books (những quyển sách) thực hiện hành động lie (nằm) => Chủ động 

=> Phân từ hiện tại lying.

5. There were many employees working very hard.

Có rất nhiều nhân viên làm việc rất chăm chỉ.

many employees (rất nhiều nhân viên) thực hiện hành động work (làm việc) => Chủ động 

=> Phân từ hiện tại working.

6. Most people invited to the party didn’t show up.

Phần lớn người được mời đến bữa tiệc không xuất hiện.

Most people (phần lớn người) chịu sự tác động của hành động invite (mời) => Bị động => Phân từ quá khứ invited.

7. I got my car washed.

Tôi đã rửa xe.

Ở đây ta dùng Phân từ quá khứ washed để miêu tả tính chất mới mà chiếc xe có được (được rửa) sau khi tôi tác động bằng tiền (get).

8. I really appreciate you helping me out.

Tôi rất cảm ơn bạn đã giúp tôi.

Ở đây ta thấy người nói muốn diễn đạt hai ý chính: (1) I really appreciate you(2) because you help me out. Để nối hai ý này lại trong cùng một câu, ta sẽ dùng Phân từ hiện tại helping: I really appreciate you helping me out

9. My friendly neighbors don’t have any problems with me living here.

Những người hàng xóm thân thiện của tôi không có vấn đề gì với việc tôi sống ở đây.

Ở đây để Cụm giới từ with me […] được đầy đủ trọn vẹn về mặt ý nghĩa, ta dùng Phân từ hiện tại living để chỉ rõ hành động mà tân ngữ me thực hiện: Hàng xóm của tôi không có vấn đề với tôi – cụ thể là với (việc) tôi sống ở đây.

10. The books written by James Patterson are popular with people of all ages.

Những cuốn sách được viết bởi James Patterson được ưa chuộng với người mọi lứa tuổi.

The books (Những cuốn sách) chịu sự tác động của hành động write (viết) => Bị động 

=> Phân từ quá khứ written